Nội dung chính
Bão giông bất ngờ giữa cao điểm nắng nóng
Chiều 19/7, sau ba ngày liên tục nắng nóng với nền nhiệt từ 35-37 độ C, khu vực miền Bắc bất ngờ xuất hiện hình thái thời tiết cực đoan. Từ khoảng 13h30 đến 17h cùng ngày, ít nhất 7 tỉnh thành gồm Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Phú Thọ, Ninh Bình và Thái Nguyên hứng chịu cơn giông lốc mạnh kèm theo sấm sét, gió giật và mưa đá kéo dài.Tại Hà Nội, khoảng 16h, bầu trời đang nắng gắt bất ngờ chuyển sang âm u và tối sầm. Chỉ vài phút sau, gió lốc nổi lên dữ dội, giật tung nhiều mái tôn, biển quảng cáo tại các khu nhà cao tầng.

Tại Quảng Ninh, từ khoảng 14h, bầu trời đột ngột tối đen. Sau ít phút giông nổi lên, mưa đá đổ xuống dữ dội. Anh Nguyễn An, người dân phường Hạ Long, cho biết: "Hạt mưa đá to bằng đầu ngón chân, rơi ào ạt kèm sấm sét liên hồi. Một tia sét đánh thẳng vào núi gần vịnh, gây cháy đỉnh núi".


Lật tàu du lịch ở Hạ Long: Ít nhất 37 người tử nạn


Cảnh báo giông lốc khẩn cấp được phát ra
Vào chiều ngày 19/7, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia ghi nhận gió giật mạnh tại nhiều điểm ở Quảng Ninh: Cửa Ông gió cấp 7 (16 m/s), Bãi Cháy gió giật cấp 10 (26 m/s), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) gió giật cấp 8 (18 m/s). Dù bão Wipha vẫn còn cách xa trên 1.000 km về phía Đông vịnh Hạ Long, hoàn lưu của bão chưa ảnh hưởng trực tiếp, song dải hội tụ nhiệt đới kết hợp nền nhiệt cao là nguyên nhân chính gây ra cơn giông cực mạnh.Theo ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, đây là hiện tượng siêu giông vùng nhiệt đới (Mesoscale Convective Systems) - tổ hợp mây giông quy mô lớn, thường gây mưa to, kèm theo sét, lốc, gió giật mạnh. Ông cho biết, loại giông này có đường kính vài chục đến vài trăm km, tồn tại trong nhiều giờ, thậm chí từ 12 - 24 giờ. Chúng mạnh hơn và nguy hiểm hơn giông đơn lẻ, lại rất khó cảnh báo sớm.
Dự báo thời tiết tiếp tục diễn biến xấu
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 10 ngày tới, thời tiết cả nước có nhiều biến động do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với bão số 3 Wipha. Bão này dự báo mạnh lên cấp 12, giật cấp 15 khi tiến gần bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), gây mưa to đến rất to tại Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, đặc biệt tập trung ở Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ.Từ ngày 20-24/7, Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An sẽ có mưa lớn và giông; vùng núi cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất, nhất là trong hai ngày 21-22/7. Từ ngày 25/7, mưa giảm nhưng vẫn có nơi mưa to.Tại khu vực từ Hà Tĩnh đến Lâm Đồng, nắng nóng kéo dài trong hai ngày đầu, sau đó chấm dứt, thay vào đó là mưa rào và giông cục bộ từ ngày 22/7. Cao nguyên và Nam Bộ có mưa giông rải rác, cục bộ mưa to vào chiều tối.Thủ đô Hà Nội từ 20-24/7 có mưa to và giông, sau đó mưa giảm và nhiệt độ tăng dần. Ban ngày phổ biến 29-31 độ C, tăng lên 31-34 độ C từ ngày 25-29/7.Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh trong mưa giông. Người dân cần đề phòng ngập úng tại vùng trũng và sạt lở ở vùng núi.
Góp ý / Báo lỗi